Mô hình SMART và cách xác định mục tiêu trong chiến lược marketing. Bao gồm ví dụ mình họa

Tiêu chí mô hình smart

Bạn đã từng bao giờ gặp phải trường hợp kế hoạch một đằng nhưng kết quả lại một nẻo? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao chiến dịch quảng bá trên kênh youtube của mình đề ra tuyệt đỉnh như vậy mà lại lèo tèo view? Lật ngược lại vấn đề một chút, có lẽ thứ “bất ổn” trong kế hoạch của bạn lại chính là phần mục tiêu – tiền đề của mọi thứ. Vậy làm sao cho nó hết “bất ổn” bây giờ? Bật mí nè, áp dụng mô hình SMART chính là giải pháp. Hãy cùng nhau tìm hiểu về loại mô hình này nhé.

Bạn đã biết mô hình SMART là gì chưa nè?

Mô hình SMART là một bộ tiêu chí dùng để xây dựng mục tiêu, được giới thiệu lần đầu trong cuốn sách “Management Review” của George T. Doran, xuất bản vào năm 1981. Mô hình này được rất nhiều doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ áp dụng, không chỉ thế, bạn cũng có thể áp dụng SMART cho những mục tiêu cá nhân nữa đấy. 

Mô hình Smart
Mô hình SMART

Các công nghiệp thường ưa chuộng SMART vì mô hình này cho phép nhà quản trị thiết lập và đánh giá mức độ khả thi và hợp lí của mục tiêu một cách cụ thể. SMART còn cho phép doanh nghiệp xác định được mục tiêu phù hợp nhất với chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn khác nhau. 

SMART bao gồm những tiêu chí nào?

Chi tiết mô hình SMART
Chi tiết mô hình SMART

Mô hình SMART, nghe là đã thấy “thông minh” rồi. Bây giờ ta bắt đầu mổ xẻ nó ra nào. SMART là tập hợp từ viết tắt của năm tiêu chí, đó là Specific, Measurable, Achievable, Relevant và Time-bound. Chi tiết hơn về năm tiêu chí này như sau:

Specific (Cụ thể): Mục tiêu đặt ra cần phải rõ ràng, chi tiết để kế hoạch có thể bám theo sát nhất. Nếu bạn đặt mục tiêu quá chung chung, đến một lúc nào đó trong kế hoạch bạn sẽ bị quay cuồng trong mơ hồ, không thể xác định được đâu là điểm dừng. 

Measurable (Có thể đo lường): Bạn cần xây dựng những thông số hoặc cách thức đo lường nào đó để có thể đánh giá và so sánh được kết quả với mục tiêu đặt ra, từ đó mới có thể rút kinh nghiệm, xác định được những điểm cần thay đổi.

Achievable (Tính khả thi): Mục tiêu phải trong tầm với, phù hợp với khả năng của cá nhân hoặc đội ngũ thực thiện. Xác định tính khả thi cũng là cách nhìn xem bản thân mình đang ở đâu, hiểu được năng lực của chính mình để “liệu cơm gắp mắm”. 

Relevant (Tính thực tế): Tiêu chí tiếp theo của mô hình SMART đó là sự liên quan và tương thích với mục tiêu chung của tập thể, doanh nghiệp. Hãy cân nhắc xem mục tiêu của mình đang phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực mình đang hoạt động hay không, có đáp ứng được vấn đề mà mình hoặc tổ chức đang gặp phải hay không.

Time-bound (Giới hạn thời gian): Đề ra thời hạn cho từng mục tiêu vừa giúp bạn giữ vững được tiến độ chung, vừa dễ dàng để quản lí kế hoạch hơn. Như thế bạn sẽ không quá sa đọa hoặc quá bỏ lơ bất kỳ kế hoạch nào.

Năm tiêu chí kể trên luôn liên quan mật thiết với nhau. Trước khi xây dựng mục tiêu mới, hãy mổ xẻ và phân tích kỹ càng mục tiêu đó theo mô hình SMART, đảm bảo kế hoạch của bạn sẽ trở nên logic và dễ dàng hơn đấy.

Mô hình này có những ưu nhược điểm nào?

Ưu điểm nổi bật

Mô hình SMART giúp bạn làm rõ mục tiêu, dễ hiểu và dễ thực hiện hơn, đồng thời cải thiện tính đo lường của mục tiêu. Với SMART, nhiều kế hoạch có thể được kết hợp cùng lúc, từ đó mục tiêu cũng nhanh chóng đạt được. Tiêu chí SMART sẽ thích hợp cho cá nhân để xác định mục tiêu của chính mình. 

Nhược điểm

Công thức SMART không phù hợp với những mục tiêu dài hạn bởi tính thiếu nhạy cảm trước biến động của thị trường. Một điểm khác, mô hình này lại vô tình đề cao kết quả, dễ gây ra chứng nghiện thành tích vì người thực hiện chỉ chăm chăm đạt được mục tiêu cho đúng thời hạn.

Ví dụ thực tế: Mô hình SMART của Vinamilk

SMART vinamilk

Vinamilk từ lâu đã trở “thương hiệu quốc dân”, không chỉ bởi chất lượng sản phẩm của mình mà còn vì những chiến lược thành công vang dội được lấy làm ví dụ cho bao thế hệ học sinh sinh viên. Không nằm ngoài dự đoán của bạn, mô hình SMART cũng được Vinamilk áp dụng và cho ra những kết quả tích cực đã được chứng minh trong thực tế. Cùng nghía qua công ty sữa thần thánh này đã đề ra tiêu chí SMART như thế nào để bạn dễ hình dung hơn về mô hình này nhé.

 

Specific: Đầu tiên, Vinamilk đã đưa ra kế hoạch cụ thể cho những nhóm khách hàng khác nhau, mỗi nhóm khách hàng đều cần có sự tiếp thị hợp lý để sản phẩm tiếp cận mục tiêu tốt hơn. Ví dụ như không thể giới thiệu sản phẩm sữa trẻ em được cho người muốn mua sữa người lớn. 

Measurable: Vinamilk đặt mức KPI đối với mỗi nhân viên bán hàng là phải bán được 100 sản phẩm sữa Vinamilk loại cho em bé 3 tuổi mỗi ngày. Với mức KPI đó, Vinamilk có thể đo lường hiệu suất nhân viên, xem xét số lượng người đạt được KPI trên tổng số nhân viên rồi từ đó điều chỉnh lại mức KPI phù hợp và hiệu quả hơn.

Achievable: Đối với mô hình SMART của Vinamilk thì họ đã có những bước đi đúng đắn trong việc dần dần mở rộng sản xuất từ những dòng sản phẩm cơ bản chứ không phải thực hiện hàng loạt. Muốn thực hiện sản phẩm nào cũng cần có sự tham khảo và khảo sát tình hình trên thị trường để đạt được một số hạng mục nhất định. 

Relevant: Mỗi khi Vinamilk muốn tung một sản phẩm mới ra thị trường, họ sẽ nghiên cứu kĩ lưỡng tệp khách hàng mục tiêu để đảm bảo những đặc điểm, cải tiến của sản phẩm mới phù hợp với người tiêu dùng. 

Time-bound: Đối với tiêu chí cuối cùng trong mô hình SMART, nhãn hàng đặt ra mục tiêu lớn qua các giai đoạn được tính bằng năm. Tiếp đó, mục tiêu này lại được chia nhỏ ra thành nhiều hạng mục phải đạt theo quý. Điều này tiếp tục được phân cấp ở các cấp độ thấp hơn. 

 

 

Mô hình SMART là một trong những mô hình quản lí phổ biến nhất được nhiều cá nhân cũng như tổ chức sử dụng bởi tính logic và hữu dụng của mô hình này. Bạn cũng có thể tự thiết lập mục tiêu SMART cho chính những mục tiêu hàng ngày của bạn, hãy cùng Forza thử xây dựng một mục tiêu SMART và quan sát xem kết quả cải thiện ra sao nhé.

Xem thêm: Bí quyết xây dựng chiến lược Marketing 

 

 

 

Chia sẻ bài viết