4P trong Marketing là một mô hình kinh điển nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Chiến lược 4P được ứng dụng trong các doanh nghiệp từ startup đến các “ông lớn” tầm cỡ bởi tính hiệu quả cao. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu và vận dụng được 4P trong Marketing hiệu quả cho chiến lược của mình.
Mục lục:
Tìm hiểu về mô hình 4P trong Marketing
4P trong Marketing – “old but gold”
“Marketing Mix” là một khái niệm rất thường gặp, chỉ tập hợp những các công cụ mà doanh nghiệp sử dụng để đạt được những mục đích nhất định trong các chiến dịch Marketing của mình.
Marketing Mix thường được biết đến là 4P Marketing. 4P trong Marketing bao gồm 4 yếu tố cơ bản: Product, Price, Place, Promotion.
Product (sản phẩm)
Product thuộc mô hình 4P trong Marketing được xác định dựa trên câu hỏi: “Bạn sẽ bán gì?”. Đây là điểm cốt lõi để đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng và cũng là yếu tố tạo ra doanh thu cho chính doanh nghiệp.
Nếu sản phẩm của thương hiệu không tốt thì dù những chiến lược tiếp thị có hiệu quả đến đâu cũng không thể nào nâng cao được doanh thu. Để lựa chọn được sản phẩm của doanh nghiệp, bạn cần phải xác định được tệp khách hàng tiềm năng của mình cũng như nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
Price (giá cả)
Giá bán được hiểu là chi phí mà người dùng phải bỏ ra để sở hữu được sản phẩm. Cùng một loại sản phẩm, hướng đến cùng một phân khúc khách hàng, điều đầu tiên mà người dùng suy xét chính là giá của sản phẩm nào phù hợp hơn.
Mặc dù đa phần mọi người sẽ nghĩ sản phẩm rẻ sẽ thu hút được nhiều người mua hơn. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng trong mọi trường hợp:
- Nếu sản phẩm của bạn quá rẻ thì khách hàng sẽ nảy sinh mâu thuẫn và nghi ngờ rằng sản phẩm không thực sự tốt. Chính điều này sẽ khiến doanh thu giảm.
- Ngược lại, nếu giá bán của sản phẩm quá cao so với giá trị mang lại, khách hàng sẽ mua ít hoặc thậm chí là không sử dụng sản phẩm của bạn, mà lựa chọn các sản phẩm đến từ đối thủ.
Place (phân phối)
Place thuộc mô hình 4P trong Marketing là nơi mà bạn sẽ bán các sản phẩm của mình, thường được gọi là kênh phân phối. Thông thường sẽ có hai kênh phân phối chính:
- Phân phối trực tiếp: doanh nghiệp tự mình bán các sản phẩm. Cách này thường sẽ được sử dụng đối với những doanh nghiệp đã có cửa hàng hoặc website bán hàng.
- Phân phối gián tiếp: nhà phân phối sẽ bán các sản phẩm thông qua các kênh trung gian như siêu thị, cửa hàng tiện lợi,….
Thông thường, doanh nghiệp sẽ kết hợp cả hai kênh phân phối để tăng doanh thu cũng như tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Promotion (quảng cáo)
Chữ P cuối cùng của mô hình 4P trong Marketing bao gồm các hoạt động truyền thông. Đây luôn là một khâu quan trọng trong hoạt động tiếp thị khi giúp tăng độ nhận diện thương hiệu và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp.
Một số cách thức mà bạn có thể sử dụng để thực hiện hiệu quả chữ P “cuối cùng” này như: quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng, tổ chức bán hàng,…
Ý nghĩa của chiến lược 4P trong Marketing
Đưa đến những sản phẩm chất lượng
Để thực hiện hiệu quả chiến lược 4P trong Marketing, doanh nghiệp luôn hướng đến mục tiêu chính là tăng doanh thu dựa trên những sản phẩm chất lượng. Chính những điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể sáng tạo và cải tiến để đưa đến những sản phẩm phù hợp với mong muốn của thị trường.
Nâng cao giá trị thương hiệu của thương hiệu
Mục tiêu cốt lõi của 4P trong Marketing là đưa sản phẩm phổ biến rộng rãi trên thị trường. Với việc phát triển thành công 4P trong Marketing, doanh nghiệp sẽ có thể thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá trong và ngoài nước. Những hoạt động này sẽ giúp hình ảnh doanh nghiệp đến gần hơn với người dùng, từ đó giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng
4P trong Marketing luôn hướng đến việc tạo ra những sản phẩm thỏa mãn được mong muốn của khách hàng. Qua việc thực hiện mô hình 4P trong Marketing, các sản phẩm không chỉ đúng với nhu cầu của người tiêu dùng mà còn sở hữu chất lượng đảm bảo với mức giá hợp túi tiền. Từ đó, người dùng sẽ có thể tiếp cận sản phẩm tốt hơn.
Mối liên hệ giữa 4P và 4C trong việc tạo ra chiến lược Marketing hiệu quả
Nếu mô hình 4P trong Marketing hướng đến 4 yếu tố để xây dựng được chiến lược tiếp thị, với việc tập trung vào bên sản xuất thì mô hình 4C được coi như một phiên bản nâng cấp hơn khi tập trung vào chính khách hàng, bao gồm: Customer Solutions, Customer Cost, Convenience và Communication.
4C và 4P trong Marketing luôn có sự kết nối nhất định để tạo ra những lợi ích cho doanh nghiệp nhưng cũng không bỏ quên lợi ích của khách hàng.
Production gắn liền với Customer solutions
Mỗi sản phẩm của doanh nghiệp đều sẽ mang ý nghĩa như một giải pháp cho khách hàng để giải quyết một nhu cầu, mong muốn của khách hàng, chứ không đơn thuần chỉ hướng đến mục đích thương mại.
Đây là lý do mà doanh nghiệp cần phải nghiên cứu cẩn thận để tìm ra những nhu cầu, mong muốn của khách hàng tiềm năng để tìm ra đúng hướng đi cho sản phẩm.
Price gắn liền với Customer costs
Mức giá bán của sản phẩm phải là mức giá phù hợp với số tiền mà khách hàng có thể chi trả. Trong mối liên hệ này, giá của sản phẩm không được đánh giá ở mức cao hay thấp, mà dựa trên độ hài lòng của khách hàng. Giá trị mà sản phẩm mang lại cần phải tương xứng với giá tiền của nó. Nói cách khác, khách hàng cảm thấy xứng đáng khi chi trả mức giá đó để được sở hữu sản phẩm.
Place gắn liền với Convenience
Nghĩa là nơi phân phối sản phẩm phải tạo được sự thuận tiện cho khách hàng. Rất ít khách hàng sẽ thật sự đi một quãng đường xa để sở hữu một món hàng. Do đó, bạn càng bày bán sản phẩm ở nơi mà khách hàng tiềm năng dễ thấy, dễ mua thì lượng tiêu thụ sẽ càng cao.
Ví dụ tiêu biểu cho điều này là việc ít có doanh nghiệp nào chỉ bày bán sản phẩm tại một nơi duy nhất, mà thường sẽ phân phối đến tất cả những siêu thị, trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng tiện lợi,… để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Promotion gắn liền với Communication
Điều này được hiểu là việc các công tác truyền thông của doanh nghiệp cần phải có sự “giao tiếp” với khách hàng. Điều này thường được thể hiện dưới việc doanh nghiệp thường xuyên đưa đến những ưu đãi, khuyến mãi,… để khách hàng sẽ có thể “tương tác” với doanh nghiệp nhiều hơn.
Bên cạnh đó, điều này còn cho thấy: thay vì chỉ tập trung truyền bá sản phẩm với những hình ảnh, thông điệp mang tính trừu tượng, doanh nghiệp nên dành thêm nhiều thời gian để lắng nghe những phản hồi, góp ý của khách hàng.
4P trong Marketing là một mô hình cơ bản để doanh nghiệp tiếp cận, quảng bá và tăng lượng tiêu thụ sản phẩm. Đối với những Marketer, việc nắm vững mô hình 4P sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc phát triển chiến lược truyền thông những vẫn đúng định hướng ban đầu.