Một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay trong Marketing Mix là mô hình 7P. Vậy, mô hình 7P trong Marketing là gì? Và làm sao để ứng dụng hiệu quả mô hình này trong việc marketing cho các ngành dịch vụ?
Trước khi đi sâu vào những yếu tố 7P, chúng ta hãy cùng xem chữ “P” trong mô hình này bao gồm những gì thông qua hình ảnh dưới đây:
Với những người làm Marketing thì mô hình 7P trong Marketing là kiến thức cơ bản, bắt buộc phải nắm trước khi đi sâu vào những kiến thức trong lĩnh vực này. Vậy mô hình Marketing 7P là gì?
Trước khi tìm hiểu về mô hình này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Marketing Mix là gì.
Mục lục:
Marketing Mix (Marketing hỗn hợp) là gì?
Marketing Mix là tập hợp các công cụ marketing được doanh nghiệp, công ty sử dụng để đạt mục tiêu tiếp thị trên thị trường. Thông thường, loại hình marketing này được phân theo mô hình 4P (sử dụng trong hoạt động marketing hàng hóa). Sau một thời gian, mô hình này được “nâng cấp” lên thành mô hình marketing 7P theo xu hướng cải tiến của Marketing hiện đại.
Mô hình Marketing 4P và 7P
Trong mô hình 4P của loại hình Marketing Mix, chúng ta có 4 yếu tố Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), People (con người).
Đây là mô hình 4P cơ bản và là khởi đầu của Marketing Mix. Qua thời gian, mô hình này được nâng cấp lên thành mô hình 7P trong Marketing, tức chúng ta sẽ thêm vào các “P” khác như Promotion (quảng bá), Process (quy trình) và Physical Evidence (cơ sở vật chất, hạ tầng hỗ trợ marketing). Và mô hình này được định nghĩa như sau:
P1 – Product (Sản phẩm)
Sản phẩm được xem như một mặt hàng được sản xuất hoặc xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của một đối tượng, một nhóm người nhất định. Sản phẩm ở đây có thể hiểu là hàng hóa hoặc một loại hình dịch vụ nào đó.
Đây là chữ “P” vô cùng quan trọng bởi doanh nghiệp, công ty cần đảm bảo sản phẩm sản xuất hoặc chuẩn bị đưa ra thị trường đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, đồng thời đuổi kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường hiện nay. Do đó, trong giai đoạn nghiên cứu sản phẩm kinh doanh, một người làm marketing cần phải nghiên cứu sâu rộng về vòng đời sản phẩm mà mình đang tạo ra. Có như thế, doanh nghiệp mới có thể thực hiện các chiến lược 7P tiếp theo.
Thông thường, vòng đời của một sản phẩm (Product) đi theo 4 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: Giới thiệu.
- Giai đoạn 2: Tăng trưởng.
- Giai đoạn 3: Trưởng thành.
- Giai đoạn 4: Thoái trào.
Điều quan trọng trong các giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường là doanh nghiệp cần phải tìm cách cải tiến sản phẩm nhằm kích thích thêm nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là khi nó đang ở giai đoạn thoái trào. Ngoài ra, người làm marketing cũng cần phải tạo ra các sản phẩm có sự kết hợp hoặc đa dạng hóa, tăng độ sâu của dòng sản phẩm. Trong giới Marketing, người ta gọi đó là product mix.
Vậy, Product mix là gì?
Product Mix hiểu đơn giản là cơ cấu, phối thức sản phẩm hay hệ sản phẩm. Nó được hiểu là tỷ trọng của các sản phẩm được bán ra của một doanh nghiệp mà ở đó, doanh nghiệp có thể cung ứng một loạt sản phẩm tương tự nhằm lôi cuốn người mua trong chiến lược phân đoạn thị trường của mình.
Thường để thực hiện chiến lược Product mix này, doanh nghiệp sẽ cần phải trả lời các câu hỏi như sau:
- Đối tượng khách hàng muốn gì từ sản phẩm/dịch vụ?
- Khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm/dịch vụ như thế nào? Ở đâu?
- Có những tính năng nào sản phẩm/dịch vụ cần đáp ứng nhu cầu khách hàng?
- Liệu mình có đang tạo các tính năng khách hàng không cần?
- Tên sản phẩm/dịch vụ là gì? Có đủ sức hấp dẫn đối tượng khách hàng đang hướng đến hay không?
- Sản phẩm/dịch vụ có thu hút về màu sắc và kích cỡ hay không?
- Sản phẩm/dịch vụ khác với sản phẩm/dịch vụ của đối thủ như thế nào?
- Bao bì sản phẩm có bắt mắt, thu hút không?
P2 – Price (Giá cả)
Chữ “P” thứ hai ở mô hình 7P trong Marketing ngụ ý giá của sản phẩm. Về cơ bản, đó là số tiền khách hàng phải trả để có thể sử dụng sản phẩm/dịch vụ của một doanh nghiệp, nhà sản xuất nào đó.
Nếu P1 quan trọng ở khâu phân khúc thị trường thì P2 lại là thành phần quan trọng trong việc quyết định lợi nhuận và sự tồn tại của công ty. Đây cũng chính là yếu tố chủ chốt tạo nên định nghĩa Marketing hỗn hợp.
Điều chỉnh giá bán sản phẩm/dịch vụ đúng với tình hình kinh tế và xu hướng thị trường sẽ tác động rất lớn đến toàn bộ chiến lược marketing của doanh nghiệp cũng như doanh số, nhu cầu của sản phẩm.
Nếu một công ty còn non trẻ, mới gia nhập vào thị trường và chỉ là một cái tên “vô danh” thì đương nhiên, khách hàng mà họ hướng đến sẽ không sẵn sàng chi trả mức giá cao dù trong tương lai, có thể họ sẽ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua sản phẩm hoặc sả dụng dịch vụ. Vì vậy, đưa ra một mức giá phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp định hình về nhận thức sản phẩm trong con mắt của những người tiêu dùng.
Người ta thường nói, “tiền nào của nấy”, tức nếu doanh nghiệp đưa ra một mức giá thấp, khách hàng sẽ định nghĩa sản phẩm kém chất lượng hơn so với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, nếu giá cao hơn, trong khi chưa có tên tuổi về thương hiệu thì khách hàng sẽ coi trọng tiền của họ hơn là sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp cung cấp. Do đó, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi định giá. Tốt nhất, doanh nghiệp nên kiểm tra giá của các đối thủ cạnh tranh, sau đó chia trung bình và chọn mức giá phù hợp nhất.
Dưới đây là một số câu hỏi về P2 ở mô hình 7P trong marketing dịch vụ và sản phẩm:
- Doanh nghiệp đã chi bao nhiêu tiền để sản xuất sản phẩm?
- Sản phẩm đáng giá bao nhiêu theo ý kiến khách hàng?
- Có nên giảm giá nhẹ để tăng thêm thị phần?
- Giá của sản phẩm/dịch vụ ở thời điểm hiện tại có theo kịp với giá của các đối thủ khác không?
P3 – Place (Địa điểm)
Sau khi đã tìm ra sản phẩm cung cấp và định hình mức giá phù hợp, vấn đề của doanh nghiệp bây giờ là chọn địa điểm phân phối ở đâu hoặc kênh phân phối nào để dễ tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Để định vị được địa điểm phân phối, kênh phân phối không hề dễ bởi doanh nghiệp cần phải có kiến thức sâu rộng về thị trường. Chỉ có như thế bạn mới có thể kết nối trực tiếp với đối tượng khách hàng của mình.
Trong Marketing, chúng ta có các kiểu phân phối như sau:
- Phân phối chuyên sâu: Bán sản phẩm từ cửa hàng nhỏ đến cửa hàng lớn, nơi nào cũng có sản phẩm (tương tự các mặt hàng ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị,…).
- Nhượng quyền: Trao quyền và hỗ trợ bên nhận nhượng quyền bán hàng hóa, dịch vụ tại một khu vực nào đó trong thời hạn cố định để nhận tỷ lệ phần trăm/khoản phí nào đó.
- Phân phối độc quyền: Nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp chỉ ủy quyền cho một nhà phân phối duy nhất trong khu vực.
- Phân phối chọn lọc: Nhà sản xuất sử dụng nhà phân phối thỏa mãn các điều kiện nhất định trên một vùng thị trường đã được xác định.
Dưới đây là một số câu hỏi khi thực hiện P3 ở mô hình 7P trong Marketing:
- Khách hàng có thể tìm thấy sản phẩm/dịch vụ ở đâu?
- Những cửa hàng nào khách hàng mục tiêu thường đến? Trung tâm, cửa hàng thường, siêu thị hay online?
- Làm sao để doanh nghiệp truy cập các kênh phân phối khác nhau?
- Chiến lược phân phối khác với đối thủ như thế nào?
- Có cần phải xây dựng lực lượng bán hàng hùng hậu hay không?
- Có cần tham gia các sự kiện, hội chợ hay không?
- Có nên xây dựng kênh bán hàng online?
P4 – Promotion (Quảng bá)
P4 trong chiến lược Marketing 7P là thành phần vô cùng quan trọng bởi nó có thể nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và bán hàng của doanh nghiệp. Công tác quảng bá trong chiến lược 7P bao gồm các yếu tố sau:
- Tổ chức bán hàng.
- Quảng cáo, khuyến mãi.
- Quan hệ công chúng.
- Xúc tiến bán hàng.
Một ví dụ về 7P trong marketing ở P4 – Promotion này là chúng ta thường xem thấy các quảng cáo trên Youtube, Facebook, báo chí, truyền hình,… hay các bài PR thương hiệu, PR sản phẩm trên báo điện tử, kênh truyền thông dành cho giới trẻ. Tất cả những phương thức quảng bá này đều được trả tiền, chẳng hạn như một đoạn quảng cáo sữa Vinamilk, Cô gái Hà Lan, Milo,… Thậm chí, ở Marketing hiện đại như hiện nay, doanh nghiệp còn áp dụng hình thức quảng bá sản phẩm thông qua MV ca nhạc như series MV Đi để trở về (Biti’s Hunter), series MV Chuyện cũ bỏ qua (Mirinda), MV Hết thương cạn nhớ, Sáng mắt chưa (Tiki),…
Dưới đây là một số câu hỏi khi thực hiện P4 ở mô hình 7P trong Marketing:
- Làm thế nào để gửi thông điệp Marketing cho khách hàng tiềm năng?
- Đâu là thời điểm tốt nhất để quảng bá sản phẩm/dịch vụ hoặc thương hiệu?
- Có nên tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua quảng cáo trên truyền hình hay không?
- Liệu sử dụng Social Media để quảng bá sản phẩm là một phương án tốt?
- Đối thủ đang áp dụng chiến lược quảng bá sản phẩm/dịch vụ trên các kênh hoặc địa điểm nào?
Xem thêm về bài viết để hiểu rõ hơn về: 4p trong marketing
P5 – People (Con người)
P5 trong chiến lược 7P trong Marketing bao gồm thị trường mục tiêu và những người liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như nhân viên, trưởng phòng, saler,…
Đây là yếu tố quan trọng không kém so với P1, P2, P3, P4 trong 7P bởi để nghiên cứu thị trường và đưa ra sản phẩm, định giá, tìm kiếm kênh phân phối, quảng bá thì rất cần đến con người cũng như số lượng nhân viên thực hiện. Bên cạnh đó, sản phẩm doanh nghiệp cung cấp ra cũng phải đáp ứng đông đảo đối tượng khách hàng bởi nếu tệp đối tượng quá mỏng sẽ khó có thể sinh lợi nhuận và tồn tại công ty.
P6 – Process (Quy trình)
Quy trình trong chiến lược 7P là một trong những yếu tố quan trọng của Marketing Mix bởi nó ảnh hưởng đến công tác triển khai dịch vụ. Do đó, doanh nghiệp cần đảm bảo mình có một quy trình phù hợp để giảm thiểu tối đa chi phí về kênh bán hàng, hệ thống thanh toán, hệ thống phân phối cũng như các quy trình để đảm bảo hoạt động hiệu quả, tối đa hóa lợi nhuận.
P7 – Physical Evidence (Quy trình)
Những nhóm ngành dịch vụ như dịch vụ khách sạn, dịch vụ sửa chữa,… đều là sự trừu tượng nên các doanh nghiệp cần phải có bằng chứng “hữu hình” để khách hàng dễ hình dung, mường tượng về dịch vụ công ty đã cung cấp. Bằng chứng này có thể được biết đến như thương hiệu xây dựng, số năm hoạt động, các dự án đã thực hiện, đánh giá khách hàng,…
Chẳng hạn, khi nói đến thể thao, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Adidas, Nike. Khi nói đến khách sạn tốt, chúng ta sẽ nghĩ đến InterContinental,…
Mô hình 7P trong Marketing có vai trò gì trong việc phát triển doanh nghiệp?
- Tiếp thị toàn diện: Mô hình 7P này sẽ có mặt trong mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ thời điểm lên ý tưởng sản xuất đến công đoạn đưa sản phẩm/dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
- Tạo lợi thế cạnh tranh với đối thủ và thu hút khách hàng: Chiến lược 7P trong Marketing có thể giúp doanh nghiệp thích nghi với những thay đổi trên thị trường, đối phó tác động từ môi trường bên ngoài, đồng thời nghiên cứu đối thủ cạnh tranh để đưa ra những phương án tốt nhất cho khách hàng.
- Thấu hiểu thị trường: 7P trong Marketing có thể đưa ra cho doanh nghiệp những thông tin về nhu cầu của thị trường và từ đó, đưa ra các hoạt động đáp ứng mong muốn, nhu cầu của người tiêu dùng thông qua các hoạt động tìm kiếm thị trường như nghiên cứu, khảo sát, khuyến mãi,…
- Giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm/dịch vụ: Thông qua mô hình 7P trong Marketing dịch vụ, sản phẩm, doanh nghiệp có thể giúp người tiêu dùng tìm kiếm thông tin sản phẩm một cách nhanh chóng, thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của mình. Từ đó, họ sẽ dễ tiếp cận sản phẩm/dịch vụ hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận được thị trường Quốc tế và tối đa hóa lợi nhuận.
Cách sử dụng mô hình 7P trong Marketing dịch vụ
Doanh nghiệp có thể phác thảo mô hình 7P trong Marketing dịch vụ, sản phẩm thông qua ví dụ như sau:
Giai đoạn 1: Giới thiệu
- Product: Giúp doanh nghiệp kiểm tra khả năng tín dụng của khách hàng.
- Price: Khách hàng mục tiêu là những đối tượng mong muốn sản phẩm SaaS với chi phí khoảng 4.000.000/tháng.
- Place: Sản phẩm tiếp thị qua website.
- Promotion: Quảng bá trên kênh nào phù hợp?
- People: Nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng được đào tạo kiến thức chuyên sâu về phần mềm.
- Process: Doanh nghiệp nhỏ được cung cấp quyền truy cập vào dịch vụ.
- Physical Evidence: Khảo sát ý kiến, trải nghiệm người dùng, khuyến khích khách hàng để lại đánh giá, bình luận trên website.
Giai đoạn 2: Tăng trưởng
- Product: Sản phẩm thân thiện, phù hợp với mọi đối tượng.
- Price: Thiết lập chương trình dùng thử miễn phí 30 ngày.
- Place: Sản phẩm có khả dụng trên Android/iOS không?
- Promotion: Quảng cáo với nội dung tập trung vào ưu điểm của sản phẩm được khách hàng quan tâm.
- People: Quy trình tuyển dụng nhanh, mở rộng quy mô hỗ trợ khách hàng theo từng bước tương ứng với sự tăng trưởng về doanh số.
- Process: Khách hàng lớn hơn có các cổng thông tin riêng cho tất cả đại lý họ sử dụng.
- Physical Evidence: Website yêu cầu phải có chứng chỉ SSL.
Giai đoạn 3: Trưởng thành
- Product: Tương thích với nhiều hệ điều hành.
- Price: cung cấp chiết khấu trên mỗi đơn vị dùng cho khách hàng lớn nhất.
- Place: Khách hàng mong đợi sản phẩm có sẵn ở kênh nào khác ngoài Android/iOS?
- Promotion: Đối thủ cạnh tranh đã quảng bá sản phẩm thông qua các hình thức nào?
- People: Tuyển dụng trên các Social Media và các kênh tuyển dụng.
- Process: Luôn hỗ trợ khách hàng 24/24.
- Physical Evidence: Hóa đơn trình bày thông minh và có thương hiệu.
Giai đoạn 4: Thoái trào
- Product: Phù hợp hoặc đạt chất lượng cao hơn đối thủ hoặc cập nhật thêm các tính năng mới.
- Price: Tỷ suất lợi nhuận mục tiêu đạt bao nhiêu?
- Place: Thiết bị của người tiêu dùng ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm của họ trên website?
- Promotion: Đo lường hiệu quả từng phương pháp cũng như thúc đẩy chiến lược như thế nào?
- People: Đội ngũ nhân viên cần đạt những tố chất nào?
- Process: Hỗ trợ đa ngôn ngữ dành cho các khách hàng quốc tế.
- Physical Evidence: Địa chỉ, thương hiệu công ty uy tín trong mắt khách hàng.
Như vậy, có thể thấy, nếu sử dụng mô hình 7P trong Marketing sẽ giúp doanh nghiệp có thể lập kế hoạch chiến lược toàn diện, đồng thời giúp bạn tìm ra nguyên nhân khiến dự án không thành công hoặc cần khắc phục ở những điểm nào, từ đó giúp bạn giải quyết vấn đề một cách triệt để hơn.