Trong quá trình xin việc, các nhà tuyển dụng có yêu cầu các bạn sinh viên cung cấp Portfolio cá nhân dẫn đến các bạn “bơi trong một bầu trời hoang mang”… Vậy thực sự Portfolio là gì? Nó có tác dụng như thế nào và tầm quan trọng của một Portfolio khi đi xin việc như thế nào? Hãy cùng Forza tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Portfolio là gì?
Thực ra Portfolio là một thuật ngữ không quá xa lạ với dân thiết kế hoặc marketer! Portfolio là tổng hợp toàn bộ các dự án, thành quả hoạt động mà ứng viên đã từng tham gia thực hiện. Dựa vào các thông tin của Portfolio như năng lực cá nhân, kỹ năng, kinh nghiệm của ứng viên qua quá trình học tập, làm việc trước đó, các ứng viên sẽ được nhà tuyển dụng chú ý. Portfolio chính là là tài liệu giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan xác thực nhất về khả năng của ứng viên.

Phân biệt CV và Portfolio
Sinh viên thường cứ nghĩ Portfolio là dạng khác của CV. Thực tế, dù đều là tài liệu cung cấp thông tin cá nhân, nhưng cv và Portfolio hoàn toàn khác biệt, cụ thể:
Sự khác biệt về mặt thông tin nội dung
Các CV luôn chứa nội dung thông tin cá nhân chi tiết bao gồm: quá trình học tập, làm việc, các kỹ năng, thành tích đạt được, chứng chỉ mà bạn đạt được theo trình tự thời gian, hoạt động ngoại khóa. Thông thường CV có kèm theo Cover Letter.
Mặt khác, Portfolio cũng cung cấp thông tin cá nhân nhưng đây không phải là nội dung chính của nó. Thay vào đó, Portfolio lại tập trung vào các sản phẩm, ấn phẩm, công trình của bạn đã làm được. Chúng có thể là hình ảnh, mô hình, bản thảo, tranh ảnh,… có số lượng lớn và cụ thể.

Độ dài
Tuy không có thực sự yêu cầu về các nguyên tắc của độ dài, nhưng nhìn chung, CV của sinh viên nên gói gọn trong khoảng 1 hoặc 2 mặt giấy A4. Các nhà tuyển dụng xem CV như một bản tóm tắt thông tin cá nhân họ để xem nhanh nên họ thường không muốn xem những CV quá dài dòng.
Trong khi đó, Portfolio hoàn toàn ngược lại. Một Portfolio có giá trị luôn cần các thành phần đa dạng. Phần thông tin cá nhân lý lịch trích ngang chỉ là phần phụ của Portfolio. Portfolio đặc biệt quan tâm đến phần sản phẩm và công trình của người ứng tuyển. Vì vậy, Portfolio được gọi là một tập hồ sơ Trong đó chứa nhiều hình ảnh cũng như những tư liệu những bằng chứng xác thực của những công trình mà sinh viên đã tham gia.
Sinh viên ngành nào cần dùng portfolio?
Mặc dù cũng là hồ sơ xin việc, tuy nhiên không phải lúc nào nhà tuyển dụng cũng yêu cầu ứng viên nộp portfolio. Portfolio chỉ cần thiết nếu doanh nghiệp muốn hiểu rõ hơn về năng lực của ứng viên. Thông thường, các sinh viên muốn làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế, quảng cáo, truyền thông, Marketing, Nhà hàng – Khách sạn…mới thật sự cần Bởi những ngành nghề này làm việc theo dự án, chiến dịch, nên việc thể hiện thành quả hoạt động qua Portfolio sẽ dễ dàng, đầy đủ và chi tiết hơn.

Các thành phần cần thiết cho Portfolio là gì?
Nếu bạn muốn có một bộ Portfolio hoàn chỉnh thì đừng quên những thành phần thông tin sau nhé:
- Sơ yếu lý lịch: Là thông tin cá nhân cơ bản, có thể chèn đường dẫn URL đến hồ sơ cá nhân khi làm Portfolio online.
- Quan điểm về công việc: Cách nhìn nhận của bản thân về lĩnh vực, nghề bạn đang theo đuổi.
- Mục tiêu nghề nghiệp: Thường là mục tiêu sự nghiệp hoacej dự định trong tương lai.
- Kỹ năng: Cần điền từ 03 – 05 kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực đang theo đuổi vào Portfolio. Phần này có thể bổ sung thêm thư tiến cử, nhận xét của giáo viên, khách hàng hoặc đối tác của dự án bạn từng tham gia.
- Bằng cấp/chứng chỉ/sản phẩm cụ thể từng thực hiện: Portfolio cần có giấy tờ chứng minh bằng cấp, file tài liệu về các dự án bạn đã làm để giúp nâng tầm giá trị Portfolio trong mắt nhà tuyển dụng.
- Thông tin bảo hộ quyền sở hữu: Ghi rõ đây là tác phẩm thuộc quyền sở hữu của bạn hoặc đơn vị bạn từng hợp tác, được bảo mật hoàn toàn và không ai có quyền sao chép.

Các dạng trình bày khác nhau của Portfolio
In ấn
Đây là các tiếp cận nhà tuyển dụng thường gặp nhất. Khi in Portfolio cần chú ý đến chất lượng màu in và giấy in qua khổ giấy A4. Thiết ké đẹp mắt để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Bản PDF
Nếu không thể gửi file tài liệu dạng bản in cho nhà tuyển dụng thì bạn cần chuẩn bị bản PDF Portfolio là điều cần thiết. Ở dạng PDF, chất lượng hình ảnh, nội dung của Portfolio vẫn được giữ nguyên.

Portfolio trực tuyến
Đối với freelancer hoặc người làm việc trong lĩnh vực đồ họa thì thiết kế Portfolio trực tuyến là cách để thể hiện trình độ kiến thức, kỹ năng của mình.

Portfolio video
Hình thức Portfolio nàytạo được hiệu ứng mạnh với nhà tuyển dụng vì nó thể hiện được sự chuyên nghiệp, kỹ năng và khả năng sáng tạo của người thực hiện. Các trang có thể dùng tạo portfolio video là: Vimeo, Youtube… Riêng đối với Influencers thì có: Instagram, TikTok…

Các tiêu chí khi thiết kế của Portfolio là gì?
1. Tập trung thể hiện tác phẩm liên quan đến công việc của bạn.
Đừng cố nhồi nhét tất cả các sản phẩm bạn đã làm vào nhé! Hãy nghĩ về bố cục và nội dung bạn thể hiện trong portfolio. Chọn lọc những sản phẩm bạn tự hào nhất, đạt được kết quả tốt nhất – thành tựu liên quan nhất đến công việc bạn ứng tuyển để nhà tuyển dụng biết được bạn có phù hợp với công việc tương lai không. Đồng thời các bạn nên cập nhật liên tục các thành phẩm của mình để tăng “chất lượng” của bản thân và đừng cố gắng thổi phồng bản thân quá đà với nhà tuyển dụng nhé!

2. Thường xuyên làm mới thiết kế portfolio của mình
Nhiều sinh viên làm một bộ portfolio chung để gửi đồng bộ đến tất cả các công ty muốn ứng tuyển. Nên tránh làm điều này vì nhà tuyển dụng sẽ phân biệt được đâu là hồ sơ trải nhiều nơi, và đâu là hồ sơ được đầu tư riêng biệt. Cập nhật những sản phẩm phù hợp và thiết kế với những công ty riêng để thể hiện sự đầu tư của bản thân cho doanh nghiệp.
3. Chú ý đến chất lượng hình ảnh
Hình ảnh là thứ để đánh giá chất lượng của Portfolio và các nhà tuyển dụng thường để ý đến những sản phẩm chúng ta làm ra thông qua hình ảnh để đánh giá năng lực. Vì thế hãy chú ý lựa chọn những sản phẩm với ảnh có độ phân giải cao để tránh out nét khi cắt chúng nhé!
4. Bố cục thiết kế cần hài hòa
Bố cục của các thành phần cũng cần phải có sự hài hòa để tăng sự dễ nhìn cho Portfolio. Portfolio cũng giống như một bài thuyết trình, không cần thiết phải cho quá nhiều chữ và nhồi nhét thật nhiều hình ảnh ảnh mà hãy sắp xếp chữ và hình ảnh sao cho hợp lý và ngắn gọn xúc tích. Màu sắc cũng nên có sự đồng bộ với nhau.
5. Chọn “từ khóa chính” cho Portfolio
Bạn nên đưa ra cho nhà tuyển dụng những “từ khóa” về chính mình vào Portfolio để tạo sự tò mò cho nhà tuyển dụng. Những từ khóa nêu lên sự nổi bật của năng lực và được thiết kế nổi bật sẽ có tác dụng gây được sự chú ý mạnh. Đặc biệt, các thành quả, nghiên cứu thể hiện qua hình ảnh, số liệu ấn tượng sẽ là điểm nhấn để thu hút sự quan tâm của nhà tuyển dụng về bạn.
Trên đây là những kiến thức về portfolio mà Forza đã tổng hợp, còn bây giờ sao bạn chưa thử thiết kế ngay cho mình một bộ Portfolio cá nhân thật đẹp để thể hiện năng lực và gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng nhỉ? Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm: 10 Themes Portfolio trên WordPress dành cho các công việc sáng tạo
Tìm hiểu thêm: Kiến thức Marketing, Onpage, Offpage