3 bước xây dựng chiến lược nội dung cùng team Content của Forza 

,
chiến lược xây dựng nội dung

Sau những ngày dài ngồi muốn “quẹo cái xương hông, cong cái xương sườn” để tạo ra những content độc đáo, sáng tạo thì team Content của Forza đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng của mình. Đúng là “có công mài sắt có ngày được thêm deadline”, phải không cả nhà? 

Trong thời gian qua, team content của Forza đã nỗ lực đem những giá trị của thương hiệu đi chinh phục người tiêu dùng thông qua con chữ, phải làm sao cho “đúng người đúng thời điểm và…đúng ý của Google. Vì tạo content SEO tức là chúng ta đang có một mối quan hệ hợp tác làm ăn với Google. Thế nên team Content lúc này sẽ phải “song kiếm hợp bích” với team Technical để lựa chọn từ khóa phù hợp, phân tích đâu là nội dung mà khách hàng tìm kiếm nhiều nhất, từ đó để tiến hành xây dựng một chiến lược content cụ thể, chi tiết nhất. 

Để một chiến dịch SEO thành công thì có thể nói, vai trò của việc tạo ra một nội dung thu hút, hấp dẫn là điều hết sức quan trọng. Vì suy cho cùng Content chính là thứ khiến người tiêu dùng từ lạ mà trở thành khách quen của thương hiệu. Trong bài viết hôm nay team Content xin chia sẻ cách mà team đã tạo nên một bài viết tuyệt vời chỉ qua ba bước: Research – Lên Insight Mindmap – Content direction.

Tìm hiểu xem team content của Forza xây dựng một chiến lược content như thế nào nhé.
Tìm hiểu xem team content của Forza xây dựng một chiến lược content như thế nào nhé.

Bước 1: Research 

Research là một quá trình nghiên cứu bắt đầu từ key message, insight khách hàng mục tiêu cho đến đối thủ của nhãn hàng và đây là bước chân đầu tiên của team Content có yếu tố quyết định cho toàn bộ quá trình sau đó. 

Key message – Thấu hiểu để yêu thương

Việc hiểu rõ key message giúp team Content xác định việc truyền tải thông điệp gì và như thế nào để tạo ấn tượng, tăng khả năng ghi nhớ và nhận diện thương hiệu trong lòng người đọc. 

Chẳng hạn, thời gian vừa qua, Forza có dịp hợp tác với Ngọc Thẩm Jewelry (NTJ) – một trong những đơn vị chuyên cung cấp các dòng trang sức vàng bạc đá quý cao cấp với chất lượng vượt trội, lấy cảm hứng thiết kế từ nguồn cảm hứng thiết kế từ vẻ đẹp đôn hậu của người dân Miền Tây Nam Bộ. NTJ mong muốn truyền tải đến người tiêu dùng của mình ba giá trị cốt lõi đó là: Sự sáng tạo có trong từng thiết kế, chất lượng vượt trội và cuối cùng là mang đến cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời.

Khi đó, sẽ có một buổi training nơi NTJ sẽ chia sẻ về những điều làm nên giá trị cốt lõi cũng như những điều thú vị về sản phẩm, dịch vụ. Sau đó, team sẽ nghiên cứu hướng content cũ trên website của NTJ, từ đó nhận diện được concept mà brand đang theo đuổi là sang trọng, hướng đến chất lượng tuyệt vời. Khi đó, team content xác định được nhóm từ vựng phù hợp dành cho NTJ như list từ vựng thể hiện sự tuyệt vời: đẳng cấp, vượt tầm, xứng tầm, hoàn hảo, tuyệt hảo, vượt trội, đặc sắc, hoàn mỹ, tài hoa, sức hút, tỏa sáng,… Và team cũng nắm được văn phòng, lời văn diễn đạt phù hợp phù hợp với concept mà NTJ mong muốn như câu văn phải dễ hiểu, gãy gọn, súc tích, hoặc sử dụng cách xưng hô là NTJ và gọi người đọc là quý cô, nàng, phái nữ thay vì xưng bạn, khách hàng, người tiêu dùng để tạo cảm giác chuyên nghiệp.

Insight khách hàng – Thấu hiểu để mang lại những giá trị đích thực và đúng lúc

Thứ hai, ngoài key message, team Content còn phải thấu hiểu lăng kính khách hàng mục tiêu của NTJ. Trong buổi training, team cũng sẽ được NTJ cung cấp về đặc điểm nhận dạng như độ tuổi, thu nhập, khu vực địa lý, giới tính…của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đằng sau những lăng kính bề nổi ấy còn có những lăng kính sâu hơn, phức tạp hơn về nhu cầu thực sự của khách hàng. 

Team Content sẽ dựa vào bộ từ khóa liên quan đến trang sức vàng bạc đá quý được người tiêu dùng tìm kiếm nhiều nhất để phân tích xem họ đang cần điều gì đằng sau hành vi tìm kiếm đó. Cả team sẽ “ngụp lặn” từ các bài nghiên cứu, bài báo về nhu cầu tiêu dùng của các tổ chức nghiên cứu uy tín, cho đến hàng trăm bình luận của người tiêu dùng trên các hội nhóm Facebook, TikTok về trang sức để hiểu được mối quan tâm của họ…Hoặc một cách “dân dã” hơn là đó cùng nhau brainstorm, tự đặc mình vào vị trí người mua để suy ra nhu cầu của họ. Câu thần chú trong những buổi brainstorm sẽ luôn là “Nếu là em, thì tại sao em lại mua vàng?” Trong khi câu trả lời nhận được sẽ rất “trớt quớt” như: 

Đứa A: “Em có tiền đâu mà mua “dàng” hả chị?”

Đứa B: “Em không biết nữa, thường toàn mẹ mua cho em không à chị ơi.”

Đứa C: “Em không thích trang sức, đeo vướng víu quá à”

Đứa D: “Em…”

Leader: Thôi thôi được rồi, để tui đổi câu hỏi cho “dừa” lòng mấy người. Mấy đứa xem thử ba mẹ mình ở nhà mua vàng như thế nào?”

Đứa A: Ồ, mẹ em thì phải mấy chiếc vòng, chiếc nhẫn đính hột xoàn kim cương to chà bá mẹ em mới ưng nha. Mà đeo một chiếc không chịu đâu chị, mẹ em kêu là đeo càng nhiều càng sướng á.

Đứa B: Ừm…mẹ em thì chuộng những kiểu thanh mảnh, nhẹ nhàng hơn, thích mua theo bộ cho tone sur tone á.

Đứa C: Mẹ em cũng không ưa đeo trang sức như em luôn chị ơi.

(hơn một tiếng “rang tôm” trôi qua)

Leader: Okay, chị tóm lại vài ý sau khi chúng ta đã nghiên cứu từ tài liệu, cũng như qua quá trình trao đổi vừa rồi ha:

  • Người tiêu dùng mua trang sức vàng, bạc để thể hiện bản thân và tìm kiếm sự công nhận, ngưỡng mộ. 
  • Hoặc họ mua để tiết kiệm, cất trữ, phòng khi có trường hợp bất trắc xảy ra thể hiện nhu cầu an toàn.)

Tìm kiếm insight là một việc khá tốn nhiều thời gian nhưng kết quả cho ra lại rất chi và này nọ. Và đổi lại, cả team sẽ có một bảng nhận diện người tiêu dùng của NTJ một cách rõ nét hơn về những gì mà họ thực mong muốn. 

Tìm hiểu về đối thủ – Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng không kém đó là tìm hiểu xem đối thủ của NTJ đã và đang làm những gì trên cuộc đua chiếm lấy trái tim của người tiêu dùng. Chẳng hạn như cách họ xây dựng chiếc lược content trên website theo concept tươi vui, trẻ trung hay là sang trọng, quý phái cũng như văn phong, hình ảnh, bố cục, từ ngữ,…

Tất cả những việc này sẽ giúp team Content hiểu rõ hơn về thương hiệu của mình, nắm vững được những thế mạnh của họ so với đối thủ. Từ đó, team sẽ tập trung khai thác những lợi thế này vào bài viết thêm độc đáo. Đồng thời, học hỏi những điểm hay ho, thú vị bên đối thủ để xem xét và áp dụng vào cho content của thương hiệu. 

Bước 2: Lên Insight mindmap 

Nắm trong tay những thông tin đã được tìm thấy nhờ quá trình nghiên cứu, team Content sẽ trình bày thành một bảng Insight mindmap. Những thông tin trên đều đã được team chọn lọc và tổng hợp kỹ càng, sao cho thể hiện đầy đủ và chi tiết về brand, insight khách hàng lẫn đối thủ. Để từ đó, team sẽ lên một chiến lược content mang tính khác biệt, sáng tạo, sâu sắc và đa dạng xuyên suốt trong toàn bộ thời gian diễn ra dự án.

Hình ảnh một phần insight khách hàng được trình bày trong Insight mindmap
Hình ảnh một phần insight khách hàng được trình bày trong Insight mindmap

Như bạn nhìn thấy ở trên, đây là một phần trong bảng Insight Mindmap mà team Content đã thực hiện cho dự án hợp tác với NTJ. Nhánh lớn chính là đối tượng khách hàng mục tiêu ở khu vực miền Tây Nam Bộ và mỗi nhánh nhỏ hơn sẽ là những yếu tố thể hiện cho insight thực sự của người tiêu dùng. Chẳng hạn, khi mua vàng, người dân Miền Tây thường có tâm lý mua để cất trữ, phòng khi gặp trường hợp khó khăn thì vàng giúp họ yên tâm hơn, đây chính là nhu cầu an toàn – cần một điều gì đó đảm bảo cho tương lai. Đây mới thực sự là nhu cầu ẩn sâu và thúc đẩy người dân mua vàng. Khi đó, team Content có kế hoạch thể hiện những nội dung về giá trị quy đổi trang sức vàng, hoặc chất lượng vàng cao cấp của NTJ để cho người tiêu dùng thấy an tâm khi lựa chọn NTJ, thỏa mãn nhu cầu an toàn của họ. 

Ngoài ba yếu tố liên quan đến brand, insight khách hàng, đối thủ, thì phần quan trọng không kém đó là chiến lược content cho NTJ. Ở đó sẽ có đầy đủ từng nội dung, sản phẩm, dịch vụ nào sẽ được triển khai trong thời gian cụ thể nào. Văn phong, hình ảnh, mô hình bài viết sử dụng và cả những lưu ý gì khi viết bài đều được thể hiện rõ ràng, và chi tiết. 

Bước 3: Content direction và hoàn thiện bài viết 

Sau khi đã nắm bắt được một bài viết sẽ được viết cho ai, nội dung hướng đến điều gì, văn phong thể hiện như thế nào thì việc lên một định hướng nội dung (content direction) không còn quá khó khăn. Thông thường, một content direction phải thể hiện được tiêu đề, ý tưởng nào sẽ được triển khai trong suốt bài viết và mô hình trình bày các ý tưởng đó như thế nào.

Trước hết, team Content sẽ dựa vào những từ khóa liên quan đến thương hiệu, insight khách hàng mục tiêu hay nhóm từ khóa về sản phẩm có high volume search để xây dựng những tiêu đề hấp dẫn, thu hút nhưng vẫn có độ bao phủ tốt các từ khóa đã chọn, đảm bảo rằng một chiến lược content thú vị phải tiếp cận được người dùng. 

Sau đó, team tiếp tục hoàn thiện các ý cho từng content direction dựa vào những ý tưởng có giá trị đã tìm được trước đó. Thông thường, một bài content direction thành công phải khiến cho bên thương hiệu hiểu được team đang viết về điều gì, viết cho ai, viết như thế nào. Từ những cái tiêu đề, nội dung cốt lõi xuyên suốt toàn bài, từ ngữ mà team sử dụng cho đến bố cục của bài viết.

Về cơ bản là đã xong một content direction, team chỉ cần dựa vào đó tạo nên bài viết hoàn chỉnh, và tùy vào ngành hàng, cũng như đối tượng người sử dụng mà cách diễn đạt cũng như giọng văn sẽ khác nhau. 

Các thành viên trong team Content luôn nhắc nhau rằng, để viết sao cho hay, viết sao mà mình tự hào thì phải luôn tâm niệm trước khi viết rằng: Mình đang viết cho ai?; Mình phải hóa thân vào người đọc để nói lên nỗi lòng của họ. Có như vậy, team Content mới có thể đem lại những thứ mà người tiêu dùng cần vào đúng thời điểm.

Trên đây là tất cả những chia sẻ về quy trình làm việc của một con sen làm nghề content SEO tại Forza Agency. Hy vọng rằng, bạn bè gần xa mà “lỡ” ghé ngang qua bài viết này sẽ hiểu hơn về các mà team chúng tôi cho ra lò một bài viết chất lượng là như thế nào. Vì suy cho cùng, làm về nội dung không phải cứ muốn viết gì là viết, mà phải đảm bảo truyền tải được những thông tin hữu ích đến đúng đối tượng người dùng, tạo được niềm tin trong lòng họ đối với thương hiệu thì khi đó mới được gọi là chất lượng. 

Chia sẻ bài viết